Powered By Blogger

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

Thú đá gà

Hội Gà Nòi Việt Nam - www.ganoi.com

Lịch Sử và Gà Nòi 


Cựa gà không chọc thủng áo da !!! 

Thú chơi gà nòi và truyền thống đá gà tại Việt Nam đã có từ lâu đời, có thể hơn 700 năm trước vào thế kỷ thứ 12. Trong thời gian đầu khi sở thích chơi gà nòi được bắt đầu phát triển cho một số bậc vua chúa quyền quí và sau đó lan rộng ra chốn dân giã, những tài liệu về văn chương được truyền tụng đã bị thất lạc hoặc tiêu huỷ và lấy mất do những lần Việt Nam bị nước Tàu xâm lăng và thống trị. Lịch sử Việt Nam ghi lại những lần trở lại đô hộ Việt Nam, các sách vở quý giá đều bị Tàu tịch thâu và đốt cháy để áp dụng chính sánh "ngu dân" hòng thống trị Việt Nam lâu dài. Những tài liệu hướng dẫn về cách chọn lựa xem tướng gà nòi chỉ xuất hiện gần đây vào thế kỷ thứ 17. Một trong những người tiên phong trong việc biên soạn và để lại cho hậu thế nguồn tài liệu quý giá là Tả Quân Lê Văn Duyệt (1763-1832), một Trung thần có công bình định và xây dựng tỉnh Gia định ngày nay dưới thời vua Gia Long (Nguyễn Ánh). 

Tục truyền Tả Quân Lê Văn Duyệt đã nuôi 5000 con chiến kê để nghiên cứu về các thể loại như Ngũ Hành luận dựa trên sắc lông, phép xem tướng và phép xem vảy. Một trong những thủ bản cẩm nang về gà nòi còn được truyền tụng đến ngày nay là "Kê Kinh" mặc dù do bản sao chép lại đã "tam sao thất bổn" nhưng vẫn còn nhiều giá trị và được các sư kê và các tay chơi gà gối đầu giường và dùng làm "kim chỉ nam" cho việc chọn và xem tướng gà nòi. 

Một điển tích khác trong lịch sử Việt Nam vào thế kỷ thứ 13 đó là dưới thời nhà Trần, cựa gà nòi được nhắc đến trong bài Hịch Tướng Sĩ trong Hưng Đạo Đại Vương Liệt Truyện. Vào thời đó, thú chơi gà nòi đã thành một hiện tượng rất phổ thông trong dân gian. Khi hiểm hoạ của giặc Mông Cổ với một đạo quân hùng hậu dưới thời vua nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt tràn sang biên giới để xâm lăng nước Đại Việt vào năm 1258. Ở vào tuổi 30 “Tam thập như lập” Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã thống lãnh quân đội để chống lại giặc "Thát Đát". Để cảnh tỉnh binh sĩ và dân chúng chỉ lo mải mê với thú chơi gà nòi mà quên đi mối họa "nước mất nhà tan" ngài đã cảnh tỉnh quân lính bằng lời hiệu triệu: 



"Hùng kê chi cự, bất túc dĩ xuyên lỗ giáp
Đổ bác chi thuật, bất túc dĩ thi quân mưu."


Diễn thơ
Đúng có lúc quân Mông, Thát tới,
Cựa gà không chọc nổi áo da,
Những nghề cờ bạc tinh ma,
Phải đâu kế hoạch của nhà cầm quân?


Ngày nay các tay chơi gà nòi có thể tham khảo về những kỹ thuật nuôi, tập luyện và chuẩn bị gà ra trường từ các tay chơi gà nòi đầy kinh nghiệm và lão luyện đã từng sống tại Hà Nội với giòng gà Mã lại (Mã mái) vào những năm của thập niên '30. Một số những tài liệu, ấn bản về nghệ thuật và văn chương truyền khẩu qua cách chơi gà nòi đã được ghi nhận lại vào thời kỳ tiền chiến (1945). Vào thời này ở miền Bắc có nhiều trường gà (sới) cho các tay chơi gà nòi so tài cao thấp với số người tham dự lên đến cả hàng ngàn người 

 
Vua Minh Mạng. 

Môn Chơi Của Bậc Vương Giả 
Các triều đại vua chúa Việt Nam ngày xưa thường dùng súc vật để thi đấu hoặc biểu diễn trong những dịp lễ hội đặc biệt. Có ba loại chính được dùng trong thể loại thi đấu là: Hổ Quyền, Chọi Trâu, và Đá Gà. 

Hổ Quyền
Vua Minh Mạng sinh năm 1791 và băng hà năm 1840. Nhà vua có 40 vợ, 87 hoàng tử và 64 công chúa.

Năm 1830, vua cho xây "Hổ Quyền" trên bờ sông Hương cách nội thành Huế khoảng 4 kilo mét về hướng Nam. Hổ Quyền rất đựơc các vua nhà Nguyễn ưa chuộng. Hổ đựơc dùng để đấu với voi và thường bị voi quật chết.



Sử ta có ghi lại chuyện con nuôi của Tả Quân Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi dùng tay không đả hổ trong dịp Sứ Thần Xiêm La (Thái Lan) ghé thăm khiến họ kinh phục. 

Qúy độc giả có thể tham khảo thêm về bộ môn này tại các trang sau đây: 
www.hueworldheritage.org.vn
www.vietnamtourism.com
www.sggp.org.vn 

Chọi Trâu
Loại trâu cổ, to con với sừng dài vuốt nhọn được dùng để tranh giải giữa các làng vùng Đồ Sơn - Hải Phòng. Ngày nay chính phủ Việt Nam đang khuyếch trương nghệ thuật chọi trâu lâu đời và truyền thống này tại miền Bắc. Một số tỉnh tại miền Nam như Bình Dương, Long Bình - Đồng Nai cũng đã thấy bắt đầu thi đấu và khởi sắc. Qúy độc giả có thể tìm hiểu thêm về môn chọi trâu tại đây

Đá Gà
Trong khi "Hổ Quyền" là một nghệ thuật biểu diễn võ thuật được tổ chức trong giới hạn của cung đình cho các bậc vua chúa thưởng ngoạn thì "Chọi trâu" và "Đá gà" là hai thú vui dân gian. Tuy nhiên phải nói đá gà là một trong những loại thi đấu được nhiều người ưa thích và tham dự. Ngoài những bậc như vua, chúa và các quan cận thần chơi gà phải kể đến Tả Quân Lê Văn Duyệt và Nguyễn Nhạc (nhà Tây Sơn 1778 - 1802). 


Một trận thư hùng.

Nhiều chuyện được dân gian truyền khẩu kể lại về Nguyễn Nhạc là người rất mê gà nòi, chính ông là người đã bỏ công ra sưu tầm về môn "Kê Quyền" là môn võ dựa trên các thế đánh và ra đòn của gà nòi. Ngày nay những thế võ này vẫn được lưu truyền lại tại vùng Bình Định thuộc miền Trung Việt Nam.


Những mẫu tem thư gà nòi đựơc chính quyền Việt Nam phát hành nói lên nét đặc sắc của truyền thống đá gà trong các dịp Tết và lễ hội. 

Gà nòi trong lịch sử và sinh họat
Muốn hiểu rõ hơn về truyền thống đá gà tại Việt nam thì cần phải hiểu thấu đáo chữ "Nòi" trong văn chương bác cổ. Chữ "Nòi" được dùng cách đặc biệt để nói về truyền thuyết xuất xứ của người Việt ngày nay. Bốn chữ "Nòi Giống Tiên Rồng" mang một ý nghĩa sâu đậm về nguồn gốc và bản sắc dân tộc. Truyền thuyết "Tiên Rồng" được dùng để nói đến người Việt ngày nay là hậu duệ của "Cha Rồng" và "Mẹ Tiên" một giòng dõi có một không hai trong lịch sử nhân loại. Có nhiều điểm tương đồng khi nói đến giống Linh vật như rồng và gà nòi. Rồng là một Linh vật có những đặc điểm nổi bật như sức mạnh vô song, dũng cảm trước kẻ thù và không chịu khuất phục. Gà nòi cũng có những đặc tính tương tự nhưng rồng chỉ xuất hiện trong truyện hay truyền thuyết của văn chương nên gà nòi có thể nói là loài vật mang nhiều đặc tính như loài Linh vật nhưng lại rất gần gũi với con người. Có thể đó là một trong những lý do mà người Việt ưa thích nuôi gà nòi. 

Trong lịch sử nước nhà, dân tộc Việt luôn luôn nổi dậy để chống bạo quyền và ngoại xâm không chịu khuất phục trước sức mạnh của ngoại xâm. Sự bất khuất và dũng cảm của dân Việt có những điểm tương đồng với sự bất khuất và dũng cảm của gà nòi. Nếu không kể đến rồng là biểu tượng trong tưởng tựơng thì có thể nói gà nòi là biểu tượng hoàn hảo nhất cho sự dũng cảm và bất khuất của dân Việt. Những người mê gà nòi là những người có những tánh nét đặc biệt hiếm có. Ngay cả những tay mê gà ở Mỹ cũng tự xem mình thuộc thành phần "special breed", (loài đặc biệt.)

Trong thời gian dịch cúm gà hoành hành tại Việt Nam vào năm 2003, chính quyền đã tịch thâu và hủy diệt một số gia cầm rất lớn nhằm chận đứng bệnh dịch có thể lan tràn ra những vùng khác. Có những người yêu gà nòi đã bất bình thốt lên: "Gà nòi còn, nước Việt còn. Gà nòi mất, nước Việt mất". Câu nói này nói lên tinh thần bất khuất của gà nòi trong mỗi người dũng sĩ Việt Nam mà gà nòi là biểu tượng thực tế. Một khi lòng dũng cảm đấu tranh của con người mất đi thì tổ quốc của họ cũng sẽ bị mất. 

Mặc dầu được dựa trên một thành ngữ đã có sẵn và thay đổi hai chữ “tiếng Việt” thành hai chữ “gà nòi” trong câu "Tiếng Việt còn, nước Việt còn, tiếng Việt mất, nước Việt mất" nhưng nếu xem lại lịch sử nước nhà trong quá trình dựng nước và giữ nước, Việt Nam đã đánh bại nhiều kẻ thù có khả năng về quân sự và nhân lực gấp bội lần. Những dũng tướng điều binh góp phần để bảo vệ giang sơn gấm vóc được biết trong lịch sử Việt Nam như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Nhạc là những người am tường về cách nuôi cũng như thú chơi đá gà. Đặc tính can đảm của gà nòi có thể nói phần nào ảnh hưởng đến cá tính và gây phấn khích trong cuộc chiến nhưng nếu gà nòi bị tuyệt chủng hay mất đi thì tinh thần chiến đấu và sự hứng thú của người trong thời thế cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Trong nghệ thuật gà nòi, các tay chơi mới vào nghề tỏ sự kính trọng và khâm phục đến các sư kê và lớp đàn anh trong nghề lâu năm là một trong những đặc tính ‘bất di bất dịch’ trong võ thuật và truyền thống chơi gà nòi của người Việt Nam. Người chủ kê chỉ được các tay chơi gà biết đến nếu con gà lập được công trạng. Qua kinh nghiệm và cách săn sóc luyện tập mỗi một con gà nòi ra trường đều mang niềm tự hào cho người chủ kê. Các tay chơi gà thường bỏ nhiều thời gian chăm sóc gà nòi và đôi khi dẫn đến sự ham mê thái quá. Khi nghe tiếng một con chiến kê tài giỏi thì dầu xa xôi đến đâu cũng tìm đến và nài mua cho bằng được. Người chủ kê mà có một con chiến kê quý thì ngoài vấn đề tiền bạc bỏ ra, chủ kê còn giành nhiều thời gian để chăm sóc cho con gà của mình và đến nước này thì vai trò có thể đảo ngược lại và không biết người làm chủ gà hay gà làm chủ người. 


Một trận gà ở Hà Nội.

Người Việt Nam và các dân tộc Á Châu nói chung không muốn mất mặt cho dù bằng một lý do nhỏ nhặt nhất, trong lãnh vực này thì không kể sang hèn, giầu hay nghèo đều như nhau. Từ đặc tính văn hóa cổ truyền này, Đạo Kê được thành hình và ra đời. Nó là văn hoá của giới thượng lưu biết chữ vì họ phải thông suốt những tài liệu đá gà đựơc viết bằng Hán văn hoặc Hán Việt như Kê Kinh. Kinh sách và tài liệu qúy báu thừơng chỉ đựơc lưu truyền giữa những giưới thượng lưu và có tính cách bí truyền không thoát ra cho người ngoài. 

Những người trẻ tuổi chập chững bước vào thú chơi đá gà thường "tầm thầy học đạo" trong quan hệ sư phụ và đệ tử. Đối với một sư kê thì nỗi sung sướng và tự hào lớn nhất của họ là khi dòng gà của mình ra trường đá thắng một con gà lừng danh khác đã có tên tuổi trên chốn giang hồ. Những trận gà "để đời" như thế được kể lại và truyền miệng trong giới mộ điệu, tên tuổi của họ được nhiều người nể nang và biết đến. 

Các sư kê thường giữ dòng gà riêng cho mình và không muốn thất thoát ra ngoài, đây là lý do tại sao gà mái gốc không được bán ra. Họ lo ngại khi dòng gà lọt ra ngoài sẽ giúp cho các đối thủ khám phá ra thế đá riêng của giòng gà đó và tìm cách khắc phục. Câu thành ngữ của ông bà ngày xưa “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” không những chỉ áp dụng trong binh nghiệp mà còn được áp dụng trong phép đá gà. Các dòng gà nổi tiếng vô địch thường vô gía và không thể nào mua cho dù ngay cả từ bạn bè thân.

Ngày nay người Việt Nam vẫn tổ chức các buổi thi đá gà vào những dịp Tết đầu năm để giữ tập tục cổ truyền của cha ông. Các nông gia trong làng mạc cũng thường tổ chức những buổi đá gà để giao lưu và phát triển dòng gà của mình. 


Một cơ sở nuôi gà nòi. Ảnh của Black&white (anh Hưng).

Gây Giống và Tuyển Chọn
Cách thức nuôi gà nòi đòi hỏi nhiều công phu. Một cẩm nang trọn bộ về cách săn sóc và tuyển lựa gà nòi là một đề tài sâu rộng mà bài viết này không thể đề cập hết được. Tài liệu này chỉ trình bày những điểm căn bản để cho quý độc giả có một hiểu biết khái quát về gà nòi và những phương pháp ứng dụng sẽ được đề cập đến trong những phần sau.

Gây Giống
Những con gà mái gốc vừa bền vừa dữ cộng với một số đặc tính trổi vượt khác về ngọai hình và diện mạo như đầu mỏ, trường đòn, vai vóc và sâu lườn sẽ được tuyển chọn. Gà mái gốc được chọn trong khỏang từ 1 đến 6 năm tuổi. Gà trống để đổ dòng là những con đã có thành tích vẻ vang ngoài trường gà, ít nhất là đã ăn từ 2 độ trở lên. Tuổi từ 1 năm rưỡi đến 5 năm và thuộc dòng gà khác. Thời gian để thả gà phối giống là từ cuối tháng Mười Hai trở đi cho đến đầu tháng Giêng. Các phần dinh dưỡng cao được thêm vào khẩu phần của cặp gà giống gồm có rau, trái, thóc lúa, các hợp chất vôi và tôm tép hay cá. Các dinh dưỡng này thường được vỗ cho gà khỏang 1 tháng trước khi cho chúng phối giống. Gà sẽ bắt đầu ấp và nở vào đầu mùa Xuân. 


Cảm ơn trời đất, chân tôi không có vảy xấu !!! Ảnh của Sdykes 

Vòng lọai đầu:
Cách thức lọai gà trong vòng này tùy thuộc vào mỗi kinh nghiệm riêng của các sư kê. Tuy nhiên dựa theo “Kê Kinh”, một số các sư kê đã lọai bỏ gà con vào lúc 2 tháng tuổi nếu những con gà con này có vảy xấu. Có khỏang chừng 13 vảy xấu để các sư kê dựa vào đó để “xem gà xét vảy” để lọai bỏ.

Vòng lọai hai
Khi được 7 tháng tuổi, các con gà tơ sẽ phải vượt qua vòng hai. Những con bị vẹo lườn, vẹo cổ, và hở xương ghim (xương chậu bên dưới gần hậu môn) sẽ bị lọai bỏ.

Chuẩn Bị 

Hớt Lông
Như đã trình bày; có nhiều lọai gà đòn khác nhau do đặc tính di truyền riêng của mỗi dòng. Có lọai gà nòi ít lông và trần trụi hơn lọai khác. Để chuẩn bị gà trước khi mang ra trường thì các tay chơi gà thường hớt lông đầu, lông tơ và lông dưới cánh. Thông thường thì gà nòi không cần phải hớt lông nhiều vì các phần như cổ, đầu và đùi thường trần trụi sẵn. Lông đầu và cổ của gà nòi dòn dễ gẫy nên sau nột vài lần xổ (vần) là gà thường trụi lông nơi đầu và cổ. Qúy độc giả có thể xem thêm quá trình trụi lông của gà tại đây



Đối với những loại gà có nhiều lông và cần tỉa thì các bạn có thể tỉa như sau:
Đầu – Lông đầu thường được tỉa và hớt sát để các sư kê dễ bề mổ xẻ hút máu bầm và khâu vá. Ngoài ra, sự tỉa hớt cũng giúp cho gà không bị gà đối phương núm lông để đá.

Cổ và đùi – Lông ở cổ và đùi gà nòi thường được hớt để vô nghệ và thuốc cho da gà dầy dạn chịu được những cú đá hay cào (bằng móng) của gà đối phương vào những phần dễ bị trúng đòn như cổ, đầu, đùi và ngực. Gà còn đựơc tắm nghệ để teo mỡ. Qúy độc giả có thể xem thêm công thức thoa nghệ tại đây.

Lông tơ – lọai lông này mọc dưới cánh bên trong nách gà và hai phía bên hông cũng như dưới bụng gà. Khi ra trận gà được hớt lông tơ mềm để sư kê hay nài nước dễ dàng trong lúc làm nước, lau rửa làm gà mát gà vì thời tiết vào những tháng gần Tết bắt đầu nóng, hơn nữa sẽ không làm gà thấm nước vào lông khó bay nhảy trong lúc thi đấu.

Lông ngực – Phần lông ở ngực thường được giữ nguyên không hớt.

Các Phương Pháp Tập Luyện

Đi hơi: Phương pháp này còn được gọi dưới nhiều tên khác như vần hơi, xoay hơi, xổ hơi, quần hơi v.v,… gà tơ vào khoảng 7 hay 8 tháng tuổi trở lên là bắt đầu vào việc tập luyện. Gà được bịt mỏ và cựa (nếu có) và chỉ có thể dùng cổ để xoay trở đối phương vì không dùng mỏ để cắn, ghịt gà khác để ra đòn. Phương pháp này giúp gà quen dần với sức chịu đựng, bền sức và giúp chủ kê khám phá ra tính nết và nước đá của gà nhà nếu nó thiện nghệ một mé hay hai mé khi xoay trở.

Chạy Lồng
Xem hình bên. Quý độc giả có thể xem thêm phim video tại đây (Kích cỡ 2 MB)


Chạy Lồng.

Một con gà mồi sẽ được nhốt trong một cái bội tre, phía bên ngoài chụp thêm một cái bội tre lớn hơn để gà không thể mổ hay cắn lẫn nhau. Con gà bên ngoài sẽ chạy quanh bội gà vì tức khí và muốn tìm cách chui vào bên trong gặp đối thủ. Phương pháp này có thể tập luyện cả giờ và giúp cho gà phát triển bắp thịt nơi đùi và chân. 

Vô Nghệ: Tất cả gà chuẩn bị ra trường đều được vào nghệ có pha lẫn với các vị thuốc để giúp cho phần da lộ ra không những mau đỏ da thắm thịt mà còn giúp cho lớp da được chai sạn lại để chịu đòn. 

Dầm cán: Chân gà được ngâm vào một dung dịch thuốc pha với nước tiểu hay muối để giúp cho chân gà săn chắc lại. Có thể ngâm chân gà ngày hai lần sáng và tối mỗi lần 30 phút. Phương pháp này giúp cho các ngón chân và quản gà rắn chắc khi ra đòn đá đau và chắc hơn

Quần Sương: Các sư kê tin rằng sương buổi mai tinh khiết giúp cho gà khỏe mạnh trong lúc tập luyện. Mỗi sáng khi gà cất tiếng gáy đầu tiên là gà được thả ra sân sớm trong lúc trời còn đang tờ mờ để vươn vai, đập cánh gáy đi lại trong sân khi sương chưa tan.

Om: Gà được tắm rửa và xông hơi hằng ngày bằng khăn ấm với một nồi nước nấu bằng các vị thuốc Nam như trà xanh, gừng, ngải cứu, v.v,… để gíup gà khỏe mạnh. 

Xổ: Gà được cáp với gà cùng chặng, cùng tuổi để “đá thử sức” và tập cho quen dần với cách giao nạp, nhập trận thế và cách làm nước của sư kê. Mỗi lần xổ gà thường là một đến hai hiệp. 

Gà nòi có bộ xương rất lớn do đó muốn gà phát triển đúng mức cần phải có thời gian và đủ kiên nhẫn để gà lớn lên một cách bình thường. Trung bình vào một năm tuổi (12 tháng) là lúc gà đã cứng cáp và bắt đầu vào chương trình tập luyện chuẩn bị cho việc ra trường. Sau 6 tháng áp dụng những phương pháp huấn luyện trên, khi được 1 năm rưỡi (18 tháng) là gà đã rắn chắc như một thỏi sắt toi luyện và có nội lực và ngọai hình sung mãn sẵn sàng ra trường đụng gà khác. Các sư kê dầy dạn kinh nghiệm thường nuôi và tập luyện gà đúng độ mới mang ra thi đấu, trong khi các tay chơi gà trẻ tuổi không có nhiều kinh ghiệm và háo thắng hay ép gà đá non chưa đủ lực thường chịu thảm bại dưới tay các bậc đàn anh trong nghề. 


Cáp Độ. 

Cáp Độ
Cách cáp độ gà ở Việt Nam rất khác nhau tùy theo từng địa phương. Tài liệu này không có đủ dữ kiện để phân tích chi tiết về sự khác biệt giữa các trường gà đang sinh hoạt đều đặn tại các miền Bắc, Trung và Nam. Những chi tiết trình bày trong tập tài liệu này được thu thập tại một số trường gà tiêu biểu và có thể không hoàn toàn đúng cho từng miền hay những trường gà cùng một địa phương. 

Tại miền Nam Việt Nam, trước năm 1975, (Năm 1975 đánh dấu một giai đoạn lịch sử Việt Nam khi chính quyền miền Nam mất quyền kiểm soát miền Nam về chính quyền miền Bắc. Cuộc chính biến này đã thay đổi nhiều trên đất nước và thú chơi đá gà cũng không thoát khỏi những thay đổi về cách thức và luật lệ sau năm 1975.) các tay chơi đá gà thường không dùng cân để cân trọng lượng của gà. Tuy nhiên, cũng có sới dùng cân, tỷ như sới gà của cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ thì có dùng cân khi qua cổng. 

Thường thì các tay chơi gà định lượng con gà đối phương bằng cách dùng mắt quan sát để cáp độ. Những tay cáp độ gà sẽ mang gà ngồi vào bồ (vòng) có nơi đào lỗ sâu xuống đất để làm đấu trường, để so kè chiều cao và bề ngang của lưng gà để bắt chặng. Mỗi trường đá gà có những luật lệ riêng do chủ trường gà đặt ra. Có nơi cho phép chủ kê được đụng chạm, rờ tay trên con gà đối phương. Có nơi cấm không cho vì lý do an toàn cho gà của khách mang đến. 

Trong những nơi cho phép chủ kê được phép lấy tay để đo lưng con gà đối phương để đoán chừng "mấy phân xương" lưng, còn được gọi là "cái ngang" tức là chiều ngang của lưng gà. Những nơi không cho phép đụng chạm gà đối phương thì chủ kê phải dùng mắt để phỏng đoán chiểu ngang cũng như cân nặng của con gà kia. Trong trường hợp này chủ kê có quyền yêu cầu chủ kê phía bên kia kéo cánh xuống để quan sát kích thước lưng của con gà đối phương. Chiều cao của hai con gà được xem xét rất kỹ, thường thì hai con gà được chủ kê đâu lưng lại để so kè chiều cao và chiều ngang của lưng gà. 

Chủ trường sẽ đóng góp ý kiến thêm về cáp chặng để cho có độ gà đá. Gà có chiều cao hơn thường có lợi thế khi ra đòn, do đó các tay chơi gà có câu "một phân vai bằng hai phân xương"; có nghĩa nếu con gà có 2 phân (2cm) lớn chiều ngang hơn vẫn không bằng con gà tuy kém 2 phân ngang nhưng hơn 1 phân về chiều cao. Tuy nhiên trong vấn đề cáp độ, hai đơn vị đo lường về chiều cao và chiều ngang như thế bù qua xớt lại thì vẫn được coi là đồng chạng gà và có thể cáp độ được. 



Một phương pháp khác được gọi là "vô tay". Vô tay là thủ thuật dùng tay để nâng dưới lườn con gà đối phương lên để ướm chừng sức nặng. Các sư kê có kinh nghiệm có thể đoán chính xác trọng lượng con gà trên tay bằng cách này. Khi vô tay, sư kê cũng có thể đoán biết được thêm về gân cốt và quá trình toi luyện của gà cũng như sức chịu đựng của nó. Thí dụ như một con gà có lườn dài và sâu hình chữ V ( như lườn tàu đi biển) là loại gà có sức chịu đựng đứng trường bền bỉ. Nhưng phép vô tay không phải trường gà nào cũng cho phép. Sự cẩn trọng này rất cần thiết để đề phòng những kẻ ma giáo áp dụng xảo thuật điểm huyệt hãm hại gà đối phương trong lúc vô tay. Thường thì phép vô tay chỉ được áp dụng ở những trường gà mà mọi người đều là bạn bè thân quen. Trong những trận gà ăn thua lớn phương pháp "vô tay" không được áp dụng. 

Luật Trường Gà

Miền Bắc
Luật trường gà khác nhau tùy địa phương. Kế bên là bản nội quy trường gà của sới Yên Sở, miền Bắc Việt Nam.

Ở sới Yên Sở, mỗi hiệp đấu được ấn định là 15 phút. Nghỉ và làm nước là 5 phút. Không có giới hạn mỗi độ gà là bao nhiêu hiệp. Số hiệp của độ gà có thể được thỏa thuận giữa hai chủ kê. Các chi tiết như khớp mỏ, chắp lông, may mắt v.v. có thể khác biệt giữa các trường gà. 



Miền Trung
Ở tại tỉnh Bình Định, mỗi một hiệp (ôm) được ấn định là 20 phút. Gà ra hiệp làm nước cho nghỉ 5 phút. Gà nòi ra trường cáp độ được phân loại theo sức nặng như sau : 
- Hạng nặng - trên 3.5 ký 
- Hạng trung - từ 3 đến 3.5 ký 
- Hạng nhẹ - dưới 3 ký 
Các trận đá gà thường được tổ chức vào dịp trước Tết và tiếp tục cho đến tháng Tư. 

Miền Nam
Tại Sài Gòn, mỗi hiệp là 15 phút, làm nước nghỉ cũng 5 phút như các nơi khác. Các tay chơi gà thường dùng chữ "chặng" (đọc trại thành chạng) để phân loại gà thành 3 cỡ như sau : 
- Chặng Nhất: trên 4 ký. 
- Chặng Nhì: từ 3 đến 4 ký 
- Chặng Ba: dưới 3 ký. 

Trong khi phép phân chặng và cáp độ của gà đòn rất cầu kỳ và tốn thì gìơ thì phép cáp độ của gà cựa đơn giản và nhanh chóng hơn nhiều. Các tay chơi gà cựa thường dùng cân để cân trọng lượng của cả 2 con, vừa nhanh vừa giản tiện. Thường thì gà được cân tại nhà và cả hai bên đều đồng ý cáp gà qua điện thoại hay bằng miệng tại quán cà-phê hay các quán ăn rất nhanh chóng trước khi mang gà đến điểm hẹn để xem lại lần chót trước khi vào độ. Nếu cả hai bên đồng ý họ sẽ mang gà đến một điểm hẹn khác được dùng làm trường gà. Trận chiến kết thúc nhanh chóng cho các trận gà dùng cựa sắt để tránh sự theo dõi và bắt bớ của lực lượng công an, cảnh sát. Trước đây những trận gà cựa đá bằng cựa thật thường được cáp tại trường gần giống như lối cáp của gà đòn nhưng sau này không thông dụng do lệnh cấm của nhà nước nên hiện nay các trận gà cựa được tổ chức tại các trường di động. 

Đấu trường là nơi gà tranh tài trong những trận đá được gọi là "sới gà" (tiếng miền Bắc) hay "trường gà" (tiếng miền Nam). Các đấu trường ở miền Bắc và Trung đặc biệt dành riêng cho gà đòn. Thú vui đá gà ở Việt Nam mặc dầu vi phạm luật pháp và không được chấp nhận nhưng nhà nước cũng dễ dãi cho thể loại đá đòn. 

Trước năm 1975, hầu hết các trường gà tại miền Nam đều giành riêng cho gà đòn hay gà cựa. Có rất nhiều trường gà nổi tiếng quanh vùng Saigòn, Biên Hòa, Hóc Môn,...v.v. Các đại gia giầu có ở miền Nam thường thích đá gà cựa hơn vì có kết quả ăn thua nhanh chóng. Vào giai đoạn này gà cựa thường ra trận với cặp cựa thiệt của nó. Rất nhiều câu chuyện trong các sách truyện kể lại những trận gà cựa nổi tiếng trong những vùng như Cao Lãnh, Bến Tre và Bạc Liêu. 

Ngày nay, giới trẻ chơi đá gà cựa tại miền Nam thường gắn dao, căm nhọn để tranh tài cao thấp trong khi các tay chơi gà thuộc thế hệ lớn tuổi thường trung thành với môn đá đòn truyền thống. 

Hội Gà Nòi Việt Nam được thành lập không ngoài mục đích bảo tồn và phát triển giống gà nòi Việt Nam và văn hoá Đạo Kê. Qúy độc giả có thể tìm hiểu và tham gia hội chúng tôi trong Diễn Đàn. Dù với kinh nghiệm và hiểu biết hạn hẹp, chúng tôi cũng sẽ cố gắng giải đáp những thắc mắc ưu tư của quý độc giả.

Rất Trân Trọng.
Hội Gà Nòi Việt Nam

2 nhận xét:

  1. Đam mê cái giống gà chọi với đông cảo nhưng kiếm giống chuẩn khó quá, toàn gà pha thôi ak

    The Cao Gia Re

    Trả lờiXóa
  2. Luật trường đá gà cựa sắt khác nhau tùy địa phương. Kế bên là bản nội quy trường gà của sới Yên Sở, miền Bắc Việt Nam.

    Trả lờiXóa