Powered By Blogger

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

Phương pháp lai tạo truyền thống


Phương pháp lai tạo truyền thống

Trong bài này, chúng ta sẽ tóm lược phương pháp lai tạo truyền thống tức phương pháp lai tạo gà nòi, gà đòn mà dân gian vẫn áp dụng trong hàng trăm năm qua.

Công thức lai tạo: MÁI BỔN x TRỐNG HAY

Mái bổn

*Mái bổn là mái có những đặc điểm mà chúng ta mong muốn lưu truyền cho đời sau, chẳng hạn gan lỳ, lối đá…

*Để tạo mái bổn từ mái nòi rặt, chúng ta vẫn áp dụng công thức trên, kết hợp với việc tuyển chọn qua nhiều đời, thường từ 3 đến 4 đời. Nếu đời sau cùng gà trống đá hay thì gà mái cùng bầy được tuyển làm mái bổn.

*Một khi đã có mái bổn, vẫn áp dụng công thức trên để tạo gà đá trường. Thường mái bổn được giữ xài trong 4-5 năm.

*Khi lứa mái bổn này đã già, trong các bầy con, lứa nào đá xuất sắc nhất thì gà mái cùng bầy sẽ được giữ lại làm mái bổn mới. Lứa mái này tuy vẫn giữ được những nét cơ bản của lứa mái cũ, nhưng dẫu sao vẫn có đôi chút khác biệt. Nếu lọc lựa không cẩn thận thì qua nhiều đời, sự khác biệt sẽ càng tăng đi đến chỗ… mất bổn. Mất bổn ở đây có hai nghĩa: suy giảm chất lượng hoặc mất đi lối đá cũ. Đây là điều vẫn xảy ra trên thực tế.

*Một nhà lai tạo có thể giữ nhiều bổn mái được tuyển lựa từ các vùng khác nhau.

Trống hay

*Trống hay là trống ăn nhiều độ, hoặc có lối đá xuất sắc, hoặc có khi là gà tơ chưa đá độ nhưng xuất phát từ một bổn rất hay. Đương nhiên các đặc điểm về hình thể và vi vảy cũng được xét đến.

*Trống hay cũng có khi là trống có những đặc điểm mà nhà lai tạo thấy phù hợp với bổn mái của mình, chẳng hạn như lối đá. Có người kiên trì sưu tầm trong nhiều đời những con trống hay có cùng một lối đá.

*Trống không được phép cận huyết với mái bổn. Thường thì nhà lai tạo sẽ kiếm từ nơi khác, xa địa phương để tránh cận huyết.

Có gì mọi người bổ sung thêm nha!

---------------------------------------------------

Sưu tầm tài liệu bàn về vấn đề lai tạo gà nòi:

Trích sách "Phong lưu cũ mới" của Vương Hồng Sển:
CON HAY NHỜ MẸ GIỎI. – Nói về gà, thì đây là câu nhựt tụng. Có câu ví: “Chó giống cha, gà giống mẹ”; và câu khác: “Gà bền tại mái”.

Vì lẽ ấy, mái nòi, ít ai chịu bán ra. Mỗi lần gà sanh con trong bầy, lựa gà trống nuôi đã đành. Đến như gà mái, lúc còn tơ, cũng lựa rất kỹ: con nào tốt bộ thì để giống; còn lại bao nhiêu mái dư, thà nhắm mắt cho ai ăn nhậu làm gì thì làm, riêng chủ gà, không bán ra cũng không cho chác.

Lựa mái hay là một chuyện, nhưng cũng phải kén trống tài khác dòng máu, thì lứa sau dám chắc là không thua cha mẹ: theo nguyên tắc thì: “trống hay cộng với mái hữu hạng, sanh con đó là gà dòng, gà giống”.

Gà trống để giống, phần nhiều là gà ăn độ, nay vì cao niên, không ra trận mạc nữa, để giữ đòn hay, tài đá giỏi, nên cho cản mái, hay đổ mái, đúc mái, đạp mái, lấy giống lại. Cũng có khi dùng trống còn tơ vào việc ấy là vì muốn có gấp giống gà để đá kịp mùa, trống tơ ấy cũng là gà dòng, đã biết tài sức rồi. Nhưng thường lệ người nuôi gà có phương pháp ít nóng tính, vẫn chờ trống được hai ba tuổi và kén mái sung sức đúng năm mới đổ, như vậy sanh con mới chắc được “nòi” y hệt tánh nết cha mẹ.

Như đã nói, phép đúc gà quan hệ lắn. Nếu trống và mái “đồng huyết tộc” thì con đẻ ra sau này lần hồi lụn bại kém sút cha mẹ thì có, chớ không hơn. Người biết chơi gà, phần nhiều không có học nhà trường, nhưng học hỏi ngoài đời, lấy kinh nghiệm làm căn bản, cứ xét ở chỗ đối với loài người, chí những dòng giống vua chúa Á-Âu, nếu cưới gả quanh đi lộn lại cũng trong dòng họ, con cậu lấy con cô con dì, lần hồi sẽ sanh ra cháu con kém thông minh, không đần độn cũng tật nguyền, bịnh hoạn... Bởi lẽ ấy, các tay nuôi gà chọi hay giấu nhẹm gốc gác giống gà của mình dày công tuyển lựa, không mấy khi nói cho ai biết trống mái của mình nguyên ở đâu mà có.

Người chơi gà chuyên môn luôn luôn lấy kinh nghiệm làm gốc làm thầy, và bền chí không ai có. Tỷ như họ đã từng thua độ vì gà địch giỏi vỉa tối và cựa đâm nhấp nháy, thì khi đúc gà để báo thù, họ sẽ tuyển giống có tài bay cao chém dữ, trị lại đòn vỉa tối của địch thủ, - biết đá bay, mỗi lần bay mỗi lần chém, biết dùng cựa lúc xạ, nạp, lanh lẹ cao tài hơn giống gà ăn độ năm xưa, thì ắt trả thù được chắc chắn rồi, tóm lại họ nhớ kỹ cho đến đỗi nhớ con gà ăn độ nằm giỏi miếng vỉa tối thì nay họ lựa giống gà biết móc biết khều đầu gà địch không cho chun vào nách và biết đá liền liền khiến con gà kia không kịp đỡ thì lấy gì trổ ngón.
Trích sách "Kinh nghiệm nuôi gà nòi" của Việt Chương - Nguyễn Việt Tiến:
*TẠO MÁI GỐC: Nuôi gà nòi, điều quan trọng là phải có gà nòi mái tốt, để làm mái gốcmái nền cho mình. Mái tốt là mái ra con lì đòn lại có đòn độc, thế độc, đứng khuya (gà đòn) đá cả buổi trời vẫn không hề chạy...

Dân gian có câu: “Chó giống cha, gà giống mẹ”, có nghĩa con chó mang đặc tính di truyền của cha. Còn gà thì mang đặc tính di truyền của mẹ. Thực tế cho thấy, nếu con chó cha bẩm sinh cụt đuôi thì các bầy con của nó đa số đều cụt đuôi. Nếu chó cha là chó mực, thì bầy con của nó đa số đều là chó mực. Riêng gà nòi thì bầy con mang tính di truyền của gà mẹ, vì vậy những người nuôi gà nòi xưa nay thường chọn những gà mẹ mang đặc tính tốt để nuôi.

Muốn có một mái nòi tốt làm gà giống riêng cho mình, có nhiều cách:

1. Gặp duyên may: Như trường hợp gặp một sư kê chọn làm đệ tử, không những sốt sắng truyền nghề cho mà còn “truyền” cho gà mái gốc. Trường hợp này tuy hiếm thấy nhưng vẫn có. Tác giả cũng may mắn rơi vào trường hợp này.

Cũng có trường hợp chủ gà mái gốc phòng xa, e ngại gà bị dịch, bị toi chết tuyệt giống nên phải tìm một người đáng tin cậy, hoặc là đệ tử, hoặc là bà con xa gần của mình để nhờ nuôi vài ba gà mái... để giữ “gốc” sau này nếu cần thì bắt lại khỏi bị tuyệt diệt. Nhưng có điều hai người phải ở càng xa nhau càng tốt, ít ra cũng... vài ba tỉnh để vì “sợ đụng hàng”. Chúng tôi sẽ giải thích rõ điều này ở phần sau.

2. Do chủ mái gốc giải nghệ: Có một con mái nòi rặc giống trong tay, người nuôi gà nòi chuyên nghiệp quí nó hơn vàng, không dễ gì họ bán ra, dù trong nhà có đến vài ba chục mái! Giống mái nòi tốt này coi như một thứ gia bảo, nuôi từ đời ông truyền đến các đời cháu chắt về sau. Số gà mái thặng dư thà họ ăn thịt hoặc giết mổ thết đãi khách chứ không hề bán hoặc đổi chác vật gì cho ai.

Thế nhưng đời ông đời cha nuôi gà, quí gà, nhưng qua đời con cháu về sau do ý thích hoặc do hoàn cảnh bắt buộc họ không thể tiếp tục nuôi gà nòi nữa, thế là con mái gốc sẽ lọt vào tay người khác. Đây cũng được coi là duyên may cho những ai mới bước vào nghề mà được mua hay được tặng con gà mái nòi quí báu này.

Sở dĩ chúng tôi gọi là duyên may, vì trường hợp vừa kể trên đây tuy có nhưng hiếm thấy.

3. Lai tạo để có mái nòi tốt: Việc làm này được đa số nghệ nhân nuôi gà nòi áp dụng, và cũng cho kết quả tốt, tuy có mất nhiều thời gian và công của. Trước hết quí vị cố chọn được con gà mái nòi rặc giống về chăm lo nuôi dưỡng cho mập mạnh. Sau đó tìm một con trống đã ăn độ, mà đòn thế của nó rất vừa ý với mình, cho cản mái để lấy lứa con. Trong lứa con này, tạm gọi là F1, lựa ra một con mái có những đặc điểm tốt nhất này (chọn từ vóc dáng đến vảy...) cho cản với một trống nòi rặc giống đã ăn độ khác để ra bầy con F2. Trong bầy con F2 này ta lại lựa ra một mái đúng chuẩn rồi cản một con trống tốt khác để có bầy con F3.

Trong bầy gà con F3 này ta lựa ra vài con trống có tiêu chuẩn tốt nhất nuôi lớn cho đá để coi đòn thế có vượt trội hơn những con gà cha trước đây không. Nếu tốt hơn thì lứa F3 này có thể coi là mái gốc, mái nền. Còn nếu ngược lại, bầy trống F3 vẫn đá không ra gì, thì lại chọn gà mái con F3 có tiêu chuẩn tốt nhất cho lai tạo với một trống nòi gan lì nổi tiếng khác để có bầy con F4... Những gà con trong các lứa F1, F2, F3 không đủ chuẩn dù là gà mái cũng coi như gà thịt, đừng tiếc.

Cũng có trường hợp lai tạo đến 4 đời rồi mà gà trống đá vẫn... không lên chân thì coi như thất bại, và trở lại từ đầu với con mái khác...

Công việc này tốn rất nhiều công của, nếu không có đức tính chịu khó và kiên tâm trì chí thì không tài nào thực hiện được. Tuy công việc đòi hỏi nhiều thời gian và tốn nhiều tiền của, nhưng lại có niềm vui, nhất là khi biết chắc đã gặt hái được thành công viên mãn...
Trích sách "Cách chọn gà đá" của Vũ Hồng Anh:
CÁCH CHỌN GIỐNG GÀ: Tục ngữ có câu: “Chó giống cha, gà giống mẹ”. Muốn có gà dữ mà nuôi ta phải cố chọn được con gà nòi mái xuất sắc để nuôi. Với những mái nòi nổi tiếng như lì đòn, đá đòn độc hiểm như song phi, sỏ, mé, hồi mã thương, khai vựa lúa… đủ tài hạ địch thủ trong một hai hiệp, thì ai có nấy nuôi, xưa nay không ai dại gì đem bán (dù với giá thật cao) hoặc cho. Họa chăng mình có mua được gà tài này, khi chủ nuôi tính bề… giải nghệ!

Xưa nay, mái nòi nổi tiếng, mỗi vùng may ra chỉ có một nhà nuôi. Hay nếu dòng họ người ta đông, thì độc quyền trong dòng họ nuôi chung với nhau, do đó mới có chuyện cả vùng nổi tiếng. Chẳng hạn như gà Cao Lãnh, hoặc “Mái râu” Bà Rịa nổi tiếng một vùng…

Muốn có mái nòi thật dữ, nếu không có cơ may gặp một sư kê nào đó thương tình nhượng lại, thì ta chỉ còn cách tự tạo mái mà nuôi.

Trước hết, phải cố chọn con mái rặc nòi, nếu cựa thì phải đúng là gà cựa, và nếu đòn thì phải rặc gà đòn. Sau đó, phải xem tướng cách có đạt yêu cầu không, kế đó xem lông, xem vảy, thấy tốt mới chọn nuôi.

Mái nòi này cho cản với trống nòi ăn độ để xem bầy con nó ra sao. Nên cho cản vài ba lứa, nếu thấy bầy con tài nghệ quá tồi, hoặc không được ưng ý lắm, thì ta nên thay mái khác… Ngược lại, nếu đúc ra vài ba lứa con mà đa số đều là chiến kê nổi tiếng thì coi như ta đã gặp may!

Có nhiều người cả đời cứ lo tuyển mái gốc, trong nhà lúc nào cũng nuôi cả chục mái của nhiều vùng khác nhau, lập ra hàng chục cuốn “gia phả” ghi chép cẩn thận, nhưng trên đầu đã hai thứ tóc mà vẫn không ưng ý được một dòng gà nào!

Vậy cách tuyển chọn một mái nòi để giống phải ra sao? Gà phải hội đủ những điều kiện gì?

Dù gà có gốc gác (gà thuộc dòng nổi tiếng) hoặc là gà ta chưa rõ xuất xứ, ta cũng nên thực hiện đúng câu: “Nhứt thủ, nhị vĩ, tam hình, tứ túc”.

Nghĩa là mặt phải lanh, cổ phải to, khỏe, đuôi cúp xuống, thân mình tròn trịa, ngực nở, lườn thẳng. Về chân, ngón phải dài, khỏe, hai hàng vảy phải đều đặn và không có những vảy xấu. Màu vảy cả hai chân phải sáng, thành ngoài úp vào thành trong. Nếu gà có những vảy quý lại càng nên chọn.

Nói cách khác, lựa gà mái để giống cũng như cách chọn gà trống để nuôi lớn đá độ vậy. Càng khắt khe với mình trong việc chọn lựa lúc đầu thì may ra sau này ta sẽ được mái tốt mà nuôi.

Xin nhắc lại, công việc tạo mái gốc không thể gấp gáp. Vấn đề này “dục tốc bất đạt”. Càng biết trì chí, càng chịu kiên tâm, chịu khó, ta càng có nhiều hy vọng sớm gặt hái được thành công!

Gà mái nòi rặc giống, trong điều kiện nuôi và chăm sóc kỹ, đến bảy tám tháng tuổi đã bắt đầu chịu trống. Nên chọn trống thật tốt về hình vóc, về xương cốt, vảy chân và nhất là có thành tích xuất sắc ở đấu trường cho cản mái. Không nên chọn trống quá tơ hoặc quá già, con nó sẽ yếu.

Lứa con đầu, kinh nghiệm cho chúng ta thấy, nên loại bỏ vì lông thường giòn, không nuôi đá được. Ta nên nuôi từ lứa gà thứ hai trở đi. Và khi thấy gà nòi mái đó ra con tốt, có tài nghề thì có thể cho đẻ đến bốn năm năm sau…

Trứng gà nòi không to, nhưng vỏ dày hơn trứng gà tàu. Gà mái nòi rặc giống mỗi lứa chỉ đẻ khoảng 7 trứng, tối đa là 8 trứng. Những mái nòi đẻ mỗi lứa trên 10 trứng là gà lai, nên loại bỏ.

Nên cho gà mẹ ấp trứng và nuôi con của nó. Với những mẹ nuôi con không giỏi, cuối ngày ta nên cho bầy gà đó ăn thêm cho đủ no.
thay đổi nội dung bởi: vnreddevil, ngày 08-02-2012 lúc 09:38 AM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét