Powered By Blogger

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

Bệnh đậu gà


Bệnh đậu gà
Monique de Vrijer - www.aviculture-europe.nl



Vào những tháng mùa nóng (đặc biệt là mùa thu) gà thường tiếp xúc và bị nhiễm bệnh đậu.

Bệnh đậu ở gà và gà tây do virus DNA thuộc chi Avipoxvirus, họ Poxviridae gây ra trên phạm vi toàn cầu. Có rất nhiều dòng virus đậu gia cầm (avian pox) khác nhau và dòng tấn công gà và gà tây ở mọi lứa tuổi thường được gọi là đậu gà (fowlpox). Bồ câu bị tấn công bởi một dòng virus đậu khác và hai dòng đậu này nhìn chung không lây nhiễm lẫn nhau.

Một khi bị nhiễm virus, gia cầm đã khỏi bệnh (nhìn chung) có thể “đề kháng” với một dòng virus nhất định nhưng vẫn có khả năng ngã bệnh, kể cả sự tái kích hoạt của dòng virus bên trong cơ thể (đặc biệt là khi bị căng thẳng hay ngã bệnh) mà nó đôi khi được coi là “nguồn mang mầm bệnh”.

Gia cầm đã khỏi bệnh vẫn có thể bị tái nhiễm vì hệ miễn dịch suy giảm hoặc dòng virus đột biến.


Con gà trống tơ này đã sống sót.

Triệu chứng
Có hai dạng bệnh lý (cả hai có thể xuất hiện đồng thời):

Dạng ngoài da (cutaneous) đặc trưng với những tổn thương dạng mụn trên bề mặt da mà nó phát triển thành vảy dày sau khi mụn “mủ”, thường nổi trên đầu, mồng và tích bị vỡ ra (thường lan rộng ảnh hưởng đến mắt) nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến chân với những nốt sần và (hiếm khi) lan đến phần lông. Những mụn này bắt đầu xuất hiện từ 5-8 ngày sau khi gà bị nhiễm virus. Lượng mụn xuất hiện tùy trường hợp nhưng có thể rất dày với các vảy xếp chồng lên nhau ở khu vực phát bệnh. Đây là dạng đậu gà phổ biến nhất và thường lành sau từ 3-4 tuần một khi không đi kèm với dạng bạch hầu (diphtheritic) hoặc bị nhiễm bệnh cơ hội. Đôi khi da liền sẹo và tùy thuộc vào sức đề kháng của gà và mức độ nhiễm bệnh, mà nhiều con vẫn sống sót. Tốt nhất nên hỗ trợ (dinh dưỡng) đặc biệt cho gà bệnh để chúng tự vượt qua.



Một con gà trống tơ nhiễm bệnh; quan sát tiến độ và sự khốc liệt của dạng ngoài da… con gà này không qua khỏi.

Với dạng bạch hầu, còn gọi là “đậu ướt” (wetpox), màng nhầy bị ảnh hưởng tạo ra những mụn mủ như “màu bơ” trong thực và khí quản gây khó khăn cho việc thở và ăn uống. Dạng đậu gà này gây tử vong cao hơn và có thể đạt đến tỷ lệ 50% số gà nhiễm bệnh (dĩ nhiên tùy thuộc vào mức độ nhiễm và bệnh cơ hội). Như đã nói, cả hai dạng này đều có thể xuất hiện đồng thời. Lượng trứng và tốc độ tăng trọng sẽ bị ảnh hưởng.

Cơ chế truyền bệnh và chu kỳ sống
Bệnh đậu gà thường lây truyền từ muỗi và các loài côn trùng ký sinh khác khi di chuyển từ vật chủ này sang vật chủ kia, chẳng hạn như ve (red mite). Nó cũng có thể lây lan trong bầy từ con mang mầm bệnh sang con lành hay từ gà đã khỏi bệnh truyền virus (qua không khí) hay gián tiếp qua thực phẩm và nguồn nước ô nhiễm nơi gà bệnh truyền sang. Virus đậu gà có thể chịu đựng tốt trong điều kiện khô ráo và có thể tồn tại trong môi trường từ nhiều tháng cho đến cả năm qua những vảy khô và vụn lông gà.


Con gà mái Welsummer này không qua khỏi vì mắc bệnh dạng bạch hầu nặng trong khi những con khác trong bầy đều sống sót.

Điều trị và phòng bệnh
Không hề có “thuốc” đặc trị bệnh đậu gà ngoại trừ loại dung dịch i-ốt Lugols bôi mụn mủ để ngăn ngừa bệnh cơ hội. Nếu không kiếm ra thì bạn có thể dùng dung dịch i-ốt hiệu Betadine. Cách ly gà bệnh là điều kiện tiên quyết để chăm sóc và hỗ trợ đặc biệt. Nhiệt độ ổn định (ấm) và khẩu phần ăn riêng (bổ dưỡng và giàu vitamin) nhất là vitamin A bởi sự thiếu chất thường xảy ra với dạng bạch hầu (xem phần kết luận). Theo dõi việc uống nước cũng quan trọng như sự phục hồi và bổ sung chất điện giải vào khay nước bởi gà bệnh thường không uống đủ và bị mất nước. Khi mắt gà bị ảnh hưởng, chúng cần được cho ăn và uống đến khi mụn thuyên giảm.

Vắc-xin



Vắc-xin cũng là một giải pháp phòng bệnh đậu gà và có thể được sử dụng trong vùng dịch bệnh. Quy trình thực hiện đơn giản qua việc áp dụng phương pháp “màng cánh” bằng cách “chích” vào da từ bên trên và bên dưới cánh nơi hai phần gặp nhau; nó cần khoảng một tuần để phát huy tác dụng và đây là phương pháp điều trị hiệu quả đối với gà chưa mắc bệnh. Vắc-xin điều trị cần được tái chích hàng năm và bạn cần tư vấn với bác sĩ thú y về cả hai phương pháp này.

Luôn cách ly gà bệnh khỏi những con mạnh khỏe và quan tâm đến việc diệt muỗi và ve trong khu vực nuôi gà bởi công đoạn đơn giản này có thể tạo ra khác biệt rất lớn về mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như số lượng gà nhiễm bệnh.


Đây là con gà ác của Carri Brown (Mỹ). Hình cho thấy sự “ướt át” trên lông gà bệnh. Con gà lành bệnh và lông xung quanh tai và mắt cũng mọc lại (Carri phải cắt bỏ để chúng không dính vào vết thương).

Kết luận
Cũng có những trường hợp mụn và triệu chứng mụn thể hiện tương tự như bệnh đậu gà - đặc biệt là dạng bạch hầu – nhưng không phải là bệnh này: da nhiễm tụ cầu khuẩn có bề ngoài tương tự như mụn mủ và có thể bị nhầm với dạng đậu gà ngoài da.

Triệu chứng thiếu vitamin A và bệnh nấm trông rất giống với mụn ở màng nhầy và khó phân biệt với dạng đậu gà bạch hầu. Rất hiếm khi gà mắc bệnh trùng mảng (trichomoniasis) vốn rất phổ biến ở bồ câu (gọi là “rúm” hay “loét”) và gây ra bởi nguyên sinh bào (protozoa).

---------------------------------------------------------------------------

Ghi chú (vnrd)

*Bệnh đậu gà (fowlpox) khác với bệnh thủy đậu (chicken pox) vốn xảy ra ở người.
*Gà con được tiêm chủng khi đạt khoảng 10 ngày tuổi. Việc tiêm chủng phải lập lại hàng năm nên chỉ áp dụng cho gà con vốn chưa đủ sức đề kháng.
thay đổi nội dung bởi: vnreddevil, ngày 05-09-2011 lúc 02:59 PM

5 nhận xét:

  1. Tôi có thể chữa dc bệnh này bằng cách vò lá Tần ra nước xát vào chỗ bị đậu đồng thời lấy bã lá Tần cho gà ăn luôn. Gà lớn dùng 1 lá = 3 ngón tay. nhỏ hơn thì chia ra. Liên hệ 0983990073 gặp Long nếu có thắc mắc. Thanks

    Trả lờiXóa
  2. La tần la lá gì,moc o dauvay ban

    Trả lờiXóa