Powered By Blogger

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

Những Kiến thức Tổng quát về gà.

LTS: Bài nghiên cứu và đóng góp cho Hội Gà Nòi Việt Nam
do BaLoi biên sọan. lol
 

Những loạt bài sau đây sẽ cống hiến cho các thành viên tham gia Diễn đàn Làng Gà Nòi những kiến thức căn bản và cần thiết để săn sóc cho sức khoẻ của gà được tốt hơn. 


Cho gà ăn đậu nành có tốt không ? 
Đậu nành là một loại đậu có chất đạm rất cao trong các loại ngũ cốc, rau quả. Tuy chất đạm của đậu nành không là chất đạm lý tưởng như từ thịt, cá nhưng có thể cung cấp nguồn đạm cao cho người ăn chay, ăn rau quả. 
Việc cho gà ăn đậu nành hay các loại đậu khác cùng họ như đậu xanh, đậu đen, đậu trắng, vv... có tốt cho gà hay không ? Câu hỏi này được một tài liệu của trường Đại học Mississippi (Hoa Kỳ) phân tích như sau: - các loại đậu nói chung là một loại rau củ (legume), trong nó có chất ức chế (inhibitor) enzyme gây ra việc rối loạn tiêu hoá và hấp thụ dưỡng chất trong cơ thể của gà. Do đó các loại đậu nói chung nhất là đậu nành không được cho gà ăn hạt đậu sống hay ngâm nước cho lên mộng. Đậu nành phải được rang hay nấu chín vì qua quá trình nấu nướng, đậu bị nhiệt phân cho gà ăn mới tốt và có chất dinh dưỡng cao. Trong các bao thực phẩm cho gà ăn nếu có ghi thành phần đậu nành trong đó thì đậu cũng đã được nhiệt phân rồi nên không sao. 


Tại sao gà hay ăn lông ? 
Gà khi thiếu chất methionine là môt trong hai loại amino acid quan trọng trong thành phần của chất đạm cho gà (lysine và methionine) thường có những triệu chứng sau đây: - gà mổ lông lẫn nhau hay nhiều khi của chính nó để ăn. Trong trường hợp gà có bộ lông xơ xác cũng do trong cơ thể thiếu chất methionine này mà ra. Trong chất methionine có chứa "sulfur" và phần lớn chính chất sulfur này giúp cho việc phát triển cho bộ lông của con gà. Không phải loại chất đạm nào cũng có hàm lượng methionine. Các loại thực phẩm sau đây rất giầu chất methionine tốt cho lông gà và giúp cho gà có bộ lông đẹp và óng mượt: - mè (vừng), đậu Brazil, cá, thịt... Các loại rau quả cho gà ăn thì tốt nhưng thường rất ít chất methionine. Nếu cần thiết phải bổ túc thêm 2 chất aminô là lysine và methionine, cách hay nhất là mua dạng bột aminô của 2 chất này và trộn vào thực phẩm cho gà ăn là tốt nhất và có công hiệu cấp kỳ. 


Làm thế nào để kích thích gà đẻ đều và mau nằm ổ ? 
Thường thì con gà nuôi ở những nơi có ngày dài (Hạ Chí tuyến ngày 21 tháng 6) và đêm dài (Đông Chí tuyến, ngày 21 tháng 12) bị ảnh hưởng chu kỳ sinh sản theo số thời gian của ánh sáng ban ngày con gà nhận được. Bên Việt Nam thì có lẽ sự thay đổi rất ít vì nằm gần đường Xích đạo, tuy nhiên đây là cách giúp cho gà đẻ đều hơn và mau ấp trứng. Trước hết phải đánh lừa con gà bằng cách cho con gà ở trong chuồng thắp sáng bóng điện như ban ngày với con số thời gian là 17 tiếng đồng hồ cho mỗi ngày. Việc này phải duy trì đều đặn mỗi ngày cho đến khi gà đẻ xong lứa và nằm ổ. Thời gian sáng kéo dài 17 tiếng như thế sẽ tạo cho con gà tưởng bắt đầu vào mùa Xuân và nó sẽ bắt đầu đẻ trứng liên tục. Khi gà đẻ, cách hay nhất là gom trứng thật để vào một nơi thoáng mát và thay vào ổ nó mỗi lần nó đẻ xong là 1 quả trứng giả hay trứng gà để ăn không có trống. Khi con gà thấy số lượng trứng trong ổ đã nhiều đủ để cho nó nằm ổ thì nó sẽ tự động ấp trứng. Khi đó mới thay toàn ổ trứng bằng trứng thật của nó và cho ấp. Không nên lấy trứng và cất đi và chỉ chừa lại 1 quả trứng làm "mồi" vì làm như vậy gà sẽ tiếp tục đẻ rất lâu và không chịu ấp. 


Gà mái đang đẻ không bệnh tật gì bỗng dưng lăn ra chết tốt, tại sao ? 
Bệnh trạng này thường thì không ai đoán ra lý do tại sao và thường là nghi ngờ gà bị dập buồng trứng do nhảy từ cao xuống hay đánh nhau nên bể buồng trứng mà chết. Căn bệnh gà mái đang đẻ chết bất kỳ tử là do chứng bệnh gọi là "Xuất huyết trong gan". Thường thì gà mái đang đẻ ăn tạp và ăn rất nhiều loại thức ăn có chất béo, vì thế tránh nuôi gà mái đang đẻ mà chỉ cho ăn toàn bắp (ngô) vì gà sẽ có nhiều mỡ trong bụng và trong lá gan. Gan gà là nơi gà chứa đựng những chất béo thặng dư trong cơ thể. Do chứa mỡ nhiều khiến cho gan gà trở nên mềm và dễ nát, bể làm cho các mạch máu trong lá gan bị đứt theo và xuất huyết bên trong cơ thể. Việc xuất huyết trong nội tạng khiến cho con gà đang khoẻ mạnh, đẻ trứng tốt bỗng lăn ra chết mà nhiều khi người không hiểu không biết lý do. Bạn có thể kiểm chứng bằng cách mổ gà (sau khi chết) để giảo nghiệm xem gà có bị nhiều mỡ trong bụng và lá gan của gà bị rách nát và xuất huyết bên trong xoang bụng. 


Gà không đẻ trứng 
Nếu gà được cho ăn uống đầy đủ mà giảm thiểu mức độ đẻ trứng thì do việc thiếu nắng, thiếu ánh sáng ban ngày. Con gà mái đẻ phải được phơi ra ánh sáng 16 tiếng mỗi ngày. Nếu thiếu sáng gà sẽ giảm đẻ. Những con gà mái ghẹ đang lớn thì không nên cho ra sáng quá nhiều trên 16 tiếng nhưng những con gà mái đang đẻ thì phải giữ tối thiểu là 16 tiếng ra ánh sáng, không được giảm ít hơn. Nếu thay đổi điều kiện ánh sáng này sẽ làm cho gà rối loạn và đẻ trứng không đều. Trong trường hợp dùng bóng đèn nhân tạo thì lựa những đèn có ánh sáng có màu vàng hay màu cam như ánh sáng mặt trời, sẽ tốt hơn. 


Chọn gà mái giống 
Trong việc chọn con gà mái gốc để làm giống thường là câu hỏi khúc mắc cho những người mới chơi gà hay đã chơi gà lâu năm. Dĩ nhiên ngoài vấn đề chính là dòng mái bền bỉ và hay đòn vẫn còn có yếu tố khác như khung bệ, xương xóc, hình tướng của con gà mái được xem xét đến để thẩm định xem con mái có tốt trong việc phối giống và sinh sản hay không. Sau đây là một số điểm giúp cho việc lựa chọn con gà mái tốt và mắn đẻ dựa trên hình dáng bên ngoài có thể xem xét được như là: 
1. Mồng và tai tích phải lớn và gọn gàng, có màu đỏ tươi và láng. 
2. Đầu và mặt gà phải gọn và thuôn thả, nhìn có nét. 
3. Mắt phải lớn sáng và lộ rõ tròng 
4. Bụng sâu, mềm và dễ giãn nở. 
5. Xương chậu mềm và mở rộng 
6. Hậu môn phải lớn, hơi ướt và có màu hồng nhạt. 

Thường thì khi gà mái bắt đầu thay lông là gà không đẻ trứng cho đến khi thay lông xong. Tuy nhiên đây là điểm quan trọng - đó là gà có con thay lông sớm hoặc thay lông trễ. Gà thay lông sớm thì mới đẻ vài tháng và nuôi con là bắt đầu thay lông lại. Trong khi đó con gà thay lông trễ có thể đẻ và nuôi con từ 12 đến 14 tháng mới thay lông. Một cách khác để nhìn ra những con gà mái thay lông sớm thường là có hình lông còn láng lẩy và mướt, trong khi đó những con gà mái thay lông trễ thì lông xác xơ và cũ kỹ. Do đó những con gà thay lông sớm không mắn đẻ nhiều như gà thay lông trễ. 

Gà thay lông sớm thường chỉ rớt và thay vài cọng lông khiến chu trình thay lông mới kéo dài từ 4 đến 6 tháng - loại gà này thường đẻ ít. Trong khi đó gà thay lông trễ vừa thay vừa mọc lông và hoàn tất trong vòng 2 đến 3 tháng. Nên chọn con gà thay lông trể vì loại gà này đẻ trứng và nuôi con tốt hơn. 

Gà bắt đầu thay lông từ đầu xuống cổ, ngực, thân hình, rồi đến cánh và đuôi là cuối cùng. Một cách khác để biết gà là thay lông sớm hay trễ là nhìn vào 9 hay 10 (tuỳ con nhưng thường là 9 lông chính và 9 lông phụ) lông cánh ở bên ngoài của lông trục (axial feather) trên cánh gà, còn gọi là lông chính, còn 9 hay 10 lông mọc gần thân mình gà là lông phụ - giữa lông chính và lông phụ có một lông ngắn nằm ở giữa gọi là lông trục. Nếu mở cánh gà ra xem mà thấy gà thay lông chính từ lông thứ nhất (gần lông trục) và theo thứ tự từng cái một ra dần đến lông thứ 10 ở ngoài đầu cánh thì đây là gà thay lông sớm. Còn con gà nào mà mỗi lần thay (rụng) 2 đến 3 lông chính cùng một lúc thì đó là con gà thay lông trễ. Đây cũng là một phương pháp khá lý thú, đó là bạn có thể dùng phương pháp xem gà thay lông cánh để biết được con gà trống thay lông sớm hay trễ. Con gà nào thay lông trễ thì có thể để chơi bền hơn và lâu hơn là con gà đổ và thay lông sớm. 


Gà cần lượng can-xi (calcium) như thế nào ? 
Gà con mới lớn cần lượng can-xi để phát triển khung xương nhưng gà cần lượng đạm (protein) nhiều hơn cho việc tăng trưởng cơ thể. Riêng gà mái sắp sửa hay đang đẻ thì cần lượng can-xi và phốt-pho (phosphorus) cao hơn trong lượng thực phẩm của gà bình thường. Nếu gà đẻ trứng non, vỏ trứng mềm, thì cách sau đây sẽ giúp gà phục hồi việc đẻ trứng tốt. Pha thêm vào thực phẩm cho gà mái ăn số lượng can-xi là 2% bằng vỏ sò, mai mực xay nhuyễn thành bột hay giã nát để gà dễ mổ ăn. Lấy thí dụ 20gr cho mỗi một 1kg thực phẩm. Sau khi gà đã đẻ trứng tốt lại bình thường thì nên ngưng việc cho can-xi theo liều lượng 2% này vào thực phẩm của gà mái đẻ và cắt giảm xuống . Một lỗi lầm tai hại nếu cho gà ăn can-xi nhiều gà sẽ bị sạn trong thận, gan do can-xi kết tủa. Nhất là gà con nếu cho ăn thực phẩm giầu chất can-xi của gà mái đẻ thì gà con sẽ bị đóng sạn trong thận và gan, bị còi không lớn được và có thể chết do bị ngộ độc can-xi quá cao. Tỷ lệ can-xi bình thường cho gà con và gà nòi đã lớn là 1%. Nếu thiếu chất can-xi trong dinh dưỡng gà sẽ bị yếu chân. 
Những thực phẩm khác giầu chất can-xi như là mè (vừng), những rau tươi có nhiều chất xanh đậm (diệp lục tố), bắp cải, cá mòi hộp (sardines còn xương mới tốt).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét