Powered By Blogger

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Gà Cao Lãnh, một thời oanh liệt trong giới chơi gà chiến

Phunutoday) - Sau “miền gái đẹp” Nha Mân, con gà chiến Cao Lãnh (Đồng Tháp) là một sản vật nổi tiếng xứ Nam Kỳ Lục tỉnh. Bây giờ nhiều vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long nuôi và kinh doanh gà chiến, như Gò Công (Tiền Giang), Chợ Lách (Bến Tre), Long Hồ (Vĩnh Long, Phong Điền (Cần Thơ)… nhưng chung quy lại, con gà chiến Cao Lãnh mới là giống gà có thành tích lẫy lừng nhất từ xưa đến nay. Nhưng vài năm trở lại đây những tay chơi gà chiến nói, gà Cao Lãnh đã bước qua thời oanh liệt.


Danh bất hư truyền

Đi theo Quốc lộ 1 A từ Trung Lương (Mỹ Tho) xuôi về phía Nam gần 60km là đến ngã ba An Thái Trung thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, điểm đầu của Quốc lộ 30. Rẽ vào ngã ba này, đi thêm 35 cây số nữa là đến thành phố Cao Lãnh, một thành phố trẻ nằm bên bờ sông Tiền lộng gió.

Bên bờ sông Cao Lãnh, trong các vườn cây ăn trái xum xuê ở các xã Hòa An, Tân Thuận Tây, nhìn đâu cũng thấy những bội sắt nhốt gà chiến đủ loại, đủ màu sắc. Ông Ba S., người có thâm niên hơn 30 năm nuôi gà chiến, nói: “Từ xưa tới nay theo nghiệp nuôi gà chiến là phải chấp nhận cảnh cực như…chăm con mọn, nhưng nếu sa chân vào nghề này thì đam mê không dứt ra được”.

Nâng niu con gà điều màu lông đỏ đậm trên tay, ông Ba S. kể chuyện chăm sóc gà: “Con gà cũng cần ăn, uống như con người. Nhưng muốn có con gà chiến thực sự khỏe mạnh để đương đầu với các địch thủ, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định bất thành văn”.

Cho gà ăn “quá hớp” thì con gà cũng bị chứng béo phì như người ta, dư mỡ, xoay trở nặng nề, đi đứng chậm chạp, để đạp mái còn không ra gì, nói chi đến chuyện chiến đấu. Nước để cho gà uống bắt buộc phải là nước mưa, đựng trong lu có nắp đậy đàng hoàng. Nếu cho gà uống nước máy thì…xem như vứt. Mỗi sáng sớm cho gà uống một lần, có ly, chén đong đo cẩn thận. Làm như vậy để gà bền sức khi đá, không “hốc” nước.

Ông Ba S. nói, nuôi gà chiến phải đảm bảo cho gà đầy đủ dinh dưỡng và có chế độ tập luyện nghiêm ngặt con gà mới khỏe, thịt da săn chắc, nhanh nhẹn và chịu đòn dai, đá không chạy xịt (bỏ chạy nữa chừng). Muốn như vậy, hàng ngày người nuôi gà phải tẩm nghệ, phun rượu toàn thân gà.

Các thứ lông cánh, đuôi, chân, cổ… được cắt tỉa cẩn thận cho thân gà gọn nhẹ, không vướng víu khi lâm trận. “Còn tẩm gà thì có bài thuốc riêng thuộc loại bí truyền, đủ sức tẩm gà tới mức da nó dày như da… voi, cựa gà khác thường đâm không thủng, nhưng với cựa sắt nhọn bén như mũi chông như dân chơi gà hiện nay đang xài thì da voi cũng thủng chứ đừng nói da gà”, ông Ba S. nói.

Thông thường, gà nuôi được một năm thì tới tuổi trưởng thành, có thể cho xung trận. Nhưng thường các chủ gà chưa cho gà ra trận liền mà vẫn tiếp tục huấn luyện gà cho dày dạn kinh nghiệm chiến trường, khoảng 5-7 ngày là gà được “xổ” một lần để đấu tập. Từ những buổi tập đó, các chủ gà chú ý xem thế đá, phân tích từng cú nạp, móc giò, né đòn, mổ, đâm... để đánh giá năng lực, thế mạnh, thế yếu của gà để khi xung trận chính thức sẽ có cách “cáp độ” với đối thủ ngang tài, ngang sức.

Trong suốt thời gian đá tập, các chú gà được tẩm bổ kỹ lưỡng theo chế độ đặc biệt. Cách chừng 2-3 ngày, gà được cho ăn một lòng đỏ trứng gà, thịt bò hoặc cá, lươn sống bằm nhỏ và các thứ cà chua, đậu xanh, đậu nành, sau khi ăn đem gà ra tắm sương, dùng khăn sạch lau gà cho đều rồi phun ít rượu. Điều tối kỵ đối với gà chiến là phải nhốt cách ly, không bao giờ để cho gà bén mảng đến đám gà mái, mất sức.

Ông Ba S. nói, từ xưa gà Cao Lãnh đã được chăm sóc kỹ lưỡng như vậy nên nổi tiếng hung dữ, sức mạnh vô song và đòn thế đá rất hay. Hồi trước 30-4-1975, “tướng râu kẽm” Nguyễn Cao Kỳ nổi tiếng là dân chơi gà thứ thiệt, mê đá gà và là một người hâm mộ gà chiến Cao Lãnh.

Người ta kể, trong tư dinh của ông tướng này lúc nào cũng có một bầy gà chiến, trong đó những con sừng sỏ nhất, có thành tích dữ dằn nhất, phần lớn xuất thân từ các lò luyện gà danh tiếng ở xứ Cao Lãnh. Giới chơi gà chiến ở Cao Lãnh còn lưu truyền chuyện “tướng râu kẽm” khi nghe tin ở đâu có con gà hay thì liền cho người tìm đến thương lượng mua đứt, sau khi ngã giá thành công thì ít giờ đồng hồ sau đã thấy ông tướng đích thân bay trực thăng phành phạch xuống tận nơi “đón gà về dinh”.

Nếu bận công việc không đi đón gà được thì ông tướng cũng cử đệ tử thân tín nhất đi đón gà. Nhiều người lớn tuổi rành chuyện ông “tướng râu kẽm” mê đá gà còn kể một câu chuyện thú vị: lần nọ đột ngột ông tướng biến mất khỏi Sài Gòn, cả gia đình, đơn vị, bạn bè đều không biết đi đâu.

Cả Sài thành hoa lệ nháo nhác truy tìm ông tướng râu kẽm nhưng không biết ông ta ở đâu, mãi đến khi chính quyền thông báo khắp các địa phương mới hay, hôm đó ông tướng đang ở Sài Gòn thì hay tin ở Cao Lãnh xuất hiện một con gà nòi rất “chiến đấu”, không có đối thủ.

Sau khi hỏi kỹ thông tin, địa chỉ của chủ gà, ông tướng một thân một mình lái trực thăng bay thẳng xuống Cao Lãnh xem gà và mua cho bằng được. Mua được con gà ưng ý rồi, ông “tướng râu kẽm” hứng chí lái trực thăng chở con gà bay thẳng qua Chương Thiện (Vị Thanh, Hậu Giang ngày nay) để cáp độ đá, bởi lâu nay xứ Chương Thiện cũng có một con gà được tôn xưng là “vô địch thiên hạ”, nên ông tướng ngứa mắt. Không biết trận gà đó thắng thua thế nào, nhưng nghe kể lại sau khi về Sài Gòn ông tướng râu kẽm cho biết: để trốn Sài Gòn đi đá gà ông đã phải lái trực thăng bay thật thấp để…tránh sự phát hiện của rada.

Năm Đại, một tay nuôi gà có tiếng ở xã Tân Thuận Tây, được biết tới như một người nuôi gà nòi chuyên nghiệp. Anh thường tuyển giống từ những con gà đã giải nghệ sau khi thắng những độ lớn. Khi đem về gà cũng te tua, bầm dập, nhưng với cách dưỡng của anh, gà mạnh khỏe, sung sức trở lại.

Rồi anh đi qua tận miệt Bến Tre, Tiền Giang tìm những con mái tơ nòi đem về phối giống. Giải thích vì sao phải đi xa như vậy, anh cho biết “để tránh gà bị “lộn kiếp”, tức là đồng huyết, cùng họ hàng, gà sẽ yếu”. Khi gà bằng cùm tay, trong một bầy 8-9 con, anh chỉ giữ lại 3-4 con “tuyển” và bắt đầu “o” cho tới ngày khôn lớn.

Vua gà chiến Bảy Thảo.


Gà của anh bán giá bét nhất cũng 1,8 triệu đồng/con. Nuôi gà cao cấp hơn phải kể tới anh P.H. ở xã Hòa An (TX Cao Lãnh, Đồng Tháp). Dựa vào câu nói dân gian “chó giống cha, gà giống mẹ”, anh tìm mua cho được gà mái Mỹ nhập từ nước ngoài. Theo suy luận của anh, gà mái Mỹ có lá phổi nhỏ, cho lai gà nòi Việt sẽ cho ra lứa gà giống mẹ là có phổi nhỏ. Điều này hết sức có lợi cho gà khi lâm trận. Bởi vì khi đá, gà thường đâm vào nách đối thủ, nếu trúng phổi thì thua liền.

 Nếu gà có lá phổi nhỏ thì xác suất bị đâm trúng sẽ không cao. Ngoài ra, do đặc tính của gà Mỹ là sung sức, mạnh mẽ, khi lai với gà nòi Việt nhanh lẹ, khôn ngoan sẽ cho ra lớp kế thừa có đầy đủ tố chất của dòng gà vừa khỏe vừa tinh khôn, có đòn hiểm. Không biết lý luận trên có đúng với thực tiễn không, nhưng xem ra gà của anh bán đắt như tôm tươi.

Đa số dân chơi gà nòi ở khắp xứ, từ TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tận Campuchia đều tìm về anh để chọn gà. Anh có hẳn một “dây chuyền” nuôi gà khá hoàn hảo. Khi gà nở, anh đem rải đều cho các tay chuyên nuôi thúc.

Cứ mỗi người chừng hai ba chục con. Khi gà lớn, anh lại chuyển cho các tay chuyên huấn luyện để tập đấu. Các “huấn luyện viên” này lo luôn việc “tẩm” gà hằng ngày, “xổ” gà theo lịch, cắt tỉa lông sạch sẽ và theo dõi sức khỏe cùng cân nặng để phân loại và… xếp hạng cân trong thi đấu. Cũng công phu và tỉ mỉ như nuôi bò sữa, gà loại này được ghi rõ xuất xứ bố mẹ, chủng loại, cân nặng, độ tuổi… hẳn hoi.

Và tất nhiên là tiền nào của nấy, một con gà ở đây bán ra không dưới 2 triệu đồng. Và chỉ cần thắng một độ đầu tiên, lập tức nó tăng lên tới 9 -10 triệu đồng. Giống như cầu thủ bóng đá vậy, chỉ qua vài trận nổi lên là lập tức giá chuyển nhượng sẽ tăng tới mức chóng mặt.  Riêng ông Ba S., từ năm 2004 đã lai tạo được một giống gà mới có tên là “nòi lai... Mỹ” rất được dân chơi gà ưa chuộng. 

Ông ba S, nói tình cờ ông phát hiện ở Mỹ có một loại gà mái tuy nhỏ con nhưng nổi tiếng hung dữ. Điểm đặc biệt của giống gà này là lá phổi của rất nhỏ, lại nằm ẩn khuất ở sau lưng, nơi mà cựa bén khó lòng đâm tới. Với cặp mắt tinh đời của một người đã trải qua gần 50 năm nuôi gà nòi, Ông Ba S. nghĩ ra một cách lai giống gà độc đáo và yêu cầu người bạn tìm cách gửi ngay về cho ông giống gà mái Mỹ kia. Có được gà mái rồi, ông S. chọn con gà trống nòi rặt giống Cao Lãnh, giống gà nổi tiếng.

 Trong hơn 30 con tìm được, tuyển lại một con duy nhất có thành tích cao nhất: đá không thua trận nào, đòn mạnh, lì lợm, tinh khôn. Sau một tháng không cho đá trận nào, ông S. nhốt con gà đó chung chuồng với con gà mái Mỹ. Không bao lâu sau cô mái Mỹ cho ra đời một ổ 15 trứng và điều làm mọi người ngạc nhiên là con gà mái Mỹ nhỏ con chẳng những đẻ sai mà trứng lại lớn bằng trứng gà... công nghiệp.

Sau khi cho gà ấp nở ra con, ông S. lựa số nào là gà mái để riêng, tiếp tục nhân giống “F2”; số gà trống cũng nuôi riêng theo chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Khi gà lớn ông S, cho đá thử và vô cùng ngạc nhiên, thích thú: con gà tướng roi roi, không cao lớn, bước nhảy của nó thật nhẹ nhàng, nhưng đòn nào ra là thấm đòn nấy. Điều đặc biệt là nó đá không bao giờ chạy, kể cả lúc gặp những chú gà hộ pháp. Cái tin ông Ba S. có giống gà mới độc đáo đã khiến dân chơi gà ở miền Tây và TP.Hồ Chí Minh lên cơn sốt và gà Cao Lãnh càng lừng danh hơn.

Cuộc cạnh tranh của những xứ gà

Ông Ba S. nói, dân chơi gà truyền thống cốt để làm vui, giải trí. Gà nuôi rồi bán ra, giá  cũng bình dân 500.000 đồng - 600.000 đồng/con, cao lắm bán được 1,3 triệu đồng - 1,5 triệu đồng/con. Còn dân cá độ thứ thiệt, cỡ 5-7 triệu tới vài chục triệu mỗi độ thì có cách nuôi và chơi gà thuộc đẳng cấp chuyên nghiệp. Gà cỡ này phải có giá 5-7 triệu đồng/con. Cá biệt gà “dữ”, thường thắng hai, ba độ rồi giá tới 10 triệu đồng/con cũng có người tranh mua. Người xưa đá gà có phân hiệp đấu, cho gà nghỉ giải lao vô nước, vỗ hen đàng hoàng.

Trường gà dựng mê bồ, có sân ngồi coi, giống như coi thi đấu võ đài. Một độ gà đá cả buổi, có khi kéo dài tới cả ngày mới kết thúc, bởi vì gà đá cựa thiệt (cựa chốt). Bây giờ, dân có gà độ chuyên nghiệp trồng cựa sắt, đá vài ba phút là gà đâm nhau chết rồi chung độ, chuồn nhanh để tránh sự truy xét của công an.

Đá kiểu đó mang tính cờ bạc, không còn gì là nghệ thuật. Họ vẽ một cái vòng tròn đường kính chừng 2m rồi thả gà vô. Gà nào cũng được gắn hai cây cựa sắt dài 5-6 cm ở chân. Cựa nhọn hoắt, bén ngót. Hai con gà được thả vô vòng đấu xông vào nhau đá rẹt rẹt vài cái là có con lăn ra chết.

Hiện nay những nghệ nhân chân chính xem đá gà là một môn nghệ thuật dân gian truyền thống đã không còn nữa. Nhưng trò đá gà ăn tiền thì ngày càng phát triển, nên nhiều xứ gà đang nổi lên ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Nổi tiếng nhất là gà Chợ Lách. Ở  ấp Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre có ông Ba Cồ  từng vang danh các trường gà khắp Nam kỳ lục tỉnh. Ba Cồ còn có uy tín với dân chơi gà bởi trong tay ông lúc nào cũng có hàng tá gà dữ. Cách chơi của ông Ba Cồ cũng điệu nghệ. Những người chuyên nuôi gà đá ở Chợ Lách kể, lần nọ dân đá gà độ trên Sài Gòn xuống xem gà của ông Ba Cồ rồi hỏi mua con gà với giá một triệu đồng, Ba Cồ lắc đầu trề môi, chê dân chơi gà thứ thiệt gì mà trả giá con gà rẻ như cho.

Sau đó ông Ba Cồ nói "Cho mấy ông cầm gà về Sài Gòn đá chơi,  nếu thua thì coi như tôi chưa đưa gà cho mấy ông, khỏi phải trả tiền. Còn nếu đá thắng, mấy ông phải đem xuống trả cho tôi giá con gà này là 5 triệu bạc". Trận đó Ba Cồ ẵm gọn 5 triệu đồng, còn dân Sài Gòn thì khoái chí vì quen được ông già xứ dừa điệu nghệ. Xứ này chuyện người nuôi gà nòi cưng gà, khoái các đòn, thế võ độc của gà... đâm ra mến gà nên trả bao nhiêu cũng không bán là chuyện thường.

Chẳng hạn như con gà ó Mã Lai của ông Tư C. ăn 18 độ, nhiều người năn nỉ ông đổi ngang chiếc Super Dream nhưng ông Tư vẫn lắc đầu. Nhưng ông Ba Cồ, với thâm niên chơi gà không dưới 50 năm, được dân chơi gà khoái vì có nhiều chuyện vui của nghề gà: Chuyện thứ nhất là chuyện Ba Cồ bán con gà điều cho "tướng râu kẽm" Nguyễn Cao Kỳ. Số là hồi đó Ba Cồ có con gà điều cực hay, ăn hàng chục độ, tướng gà đẹp, lông đều, chân vuông, mặt nhỏ, mắt tinh ranh.

Khi đá, gà tung đòn thế hiểm, lúc thủ thì đá bon, đá giao chân đẹp mắt khiến cho dân trong nghề mê tít. Tiếng đồn bay xa, nên dân mê gà nòi như tướng Nguyễn Cao Kỳ đâu thể bỏ qua. Một hôm, bất ngờ một viên tỉnh trưởng phóng xe xuống Chợ Lách, tìm vào tận nhà gặp ông Ba Cồ. Năn nỉ ỉ ôi một hồi Ba Cồ mới hay vị khách này đòi mua gà bằng được để biếu tướng Kỳ, làm quà ... xin miễn quân dịch cho người thân.

 Thương lượng giá cả xong, viên tỉnh trưởng ra xe gọi bộ đàm nhỏ to gì đó không biết, nhưng chỉ mấy tiếng đồng hồ sau Tướng Kỳ đã cho... trực thăng xuống rước gà. Chuyện thứ hai là chuyện dân chơi gà qua mặt Tướng Kỳ lấy bổn (nhân giống) con gà mồng lái ra sao. Nguyên Tướng Kỳ có con gà mồng lái chân xanh đá quá hay, gà này mua tận Phi Luật Tân, ra trường không ngán gà nào. Dân chơi liếc qua cũng biết đây là giống gà dữ, ai cũng muốn lấy bổn nhưng Tướng Kỳ cho người chăm sóc rất nghiêm ngặt, khó gần.

 Sau cùng, mấy tay chơi gà phải “đi đêm” với người chăm sóc gà cho Tướng Kỳ  mới tráo được trứng đem về Bến Tre, từ đó tại Chợ Lách mới có bổn gà mồng lái giỏi như bây giờ. Theo ông Ba Cồ, hồi đó chơi gà đúng phép tắc lắm, săm soi chân cẳng, lông lá kỹ lưỡng vẫn chưa đủ, dân chơi gà khi đã có gà hay như con khét, gà ô, gà chân vuông, chân xanh thì khi đổ ra bầy đúng bổn phải là toàn gà khét hoặc ô, chân xanh vuông không có màu lông, kiểu chân khác.

Anh N. một người chuyên bán gà nòi gần nhà ông Ba Cồ, nói chuyện chăm sóc gà đúng cách cũng nhiêu khê vô cùng. Nào là bắt ếch nhái, cào cào, châu chấu và xắt cả thịt bò cho gà ăn. Lại phải tắm nước nóng, lau mặt, lau cánh cho gà mát, 5 giờ sáng đem gà ra hứng sương, 12 giờ đêm thức cho gà uống nước. Hàng đêm còn phải rờ xem bầu diều xẹp hay cứng, kiểm tra phân gà coi gà có bệnh gì không, nếu phân màu trắng xanh mới yên tâm.

Mỗi ngày, người nuôi phải quần gà cho chân cẳng cứng và cho gà sung bằng cách nhốt con mái trong bội thả con trống bên ngoài, con trống thấy mái sáng mắt cứ chạy rè rè. Muốn gà lên lông đẹp phải cho uống hột... gà, vài tuần phải cho gà "luyện võ", dân trong nghề coi gà xổ thấy con nào đá đều chân, trận nào cũng hay, không lên xuống thất thường đưa gà đi ra trường liền.

Cũng có vài điều lưu ý như không cho gà ăn thằn lằn nhiều bởi gà bị gom thịt mau xuống sức, trước khi đá không cho đạp mái nếu không gà bị lỏng cốt, cần nắm rõ gia phả gà không cho cùng bổn đạp nhau...

Anh N. nói, người nuôi phải biết xem... tướng gà nữa. Nào là kỳ vi chân cẳng, dáng đứng tướng đi, hình thể. Rồi nào là con khét với con xám kỵ nhau, con xám mạng thổ, con khét mạng hỏa, con ô mạng thủy, con điều mạng kim, phải coi mạng nào kỵ giờ nào, hợp giờ nào.

Và nhất thiết khi nhập nha làng gà cũng phải biết rành rọt mấy câu truyền khẩu như: "Gà que gà vàng đâm nhiều"; "Sáng gà điều chiều gà xám" ám chỉ gà xám hạp từ 3 giờ chiều trở xuống, đá giờ này gà rất lên chân, còn con điều dữ cỡ nào mà đụng gà ô chân trắng mỏ ngà phải chạy độ lẹ, nếu không giao chân vài cái gà điều chết liền.

Hay chuyện gà móng cổ (ngay cổ mọc móng) phải canh con nước, nước ròng đá hay nhưng nước rong đá dở tệ, cũng phải coi khi nào móng lú lên mới ra trường, còn khi chưa tới giờ lú móng nên úp lồng bằng không bao nhiêu tiền cũng thua sạch. Còn các "linh kê" (như gà tử mỵ, gà áng thiên) không ngán con nào nhưng lại kỵ rơ với gà sinh đôi, gà có vảy thổ địa… Cũng từ đây chuyện sính gà linh mới sinh chuyện... "lên đời" gà bằng đủ kiểu. Tỷ như cắt lưỡi gà để thành gà không lưỡi, nhuộm lông gà thường thành gà ngũ sắc, cạo vảy thường dán vảy dị thường cho thành gà dữ.

Hoặc như chuyện gà tử mỵ không bao giờ đi dưới sào phơi áo quần, kẻ gian bèn luyện chơi ăn may sao cho con gà thường gặp sào đồ cũng không chui qua…. để dụ nhữ kẻ mê gà.

Anh N. chơi gà đến độ thượng thừa như vậy nhưng cũng thua xa "trùm gà" Bảy Thảo ngụ ở ấp Đông A. Trong nhà ông Thảo, khu vườn rộng mênh mông chứa cả trăm con gà tơ đi lại, còn trong chuồng là hàng chục gà nòi đang nghênh ngang gườm gườm tranh nhau gáy.

Mỗi năm, ông Thảo cung cấp hàng trăm gà nòi cho các miệt Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Sài Gòn... giá bét nhất cũng phải 1 triệu đồng một con. Trong các gà nòi xuất chuồng, có một con khiến tên tuổi ông Thảo nổi danh. Đó là con gà ô tơ bán cho Thạch Cà Na ở Trà Vinh với giá 1 triệu đồng. Thấy gà đá hay quá, một tay chơi gà máu mặt nhất nhì Cần Thơ là D.T ngã giá mua lại đến... 30 triệu đồng. Thạch Cà Na tiếc gà hay không bán, D.T lại kèo nài: "Thôi ông cho giá đi, bao nhiêu tôi cũng trả".

Với kinh nghiệm chục năm trong nghề nuôi gà nòi cung cấp cho thị trường, ông Thảo lý luận cách nuôi gà cũng khác người, đất nuôi gà cũng như đất trồng cây phải thay đổi thì gà càng tốt tướng. Ở những vùng đất vườn chưa thả nuôi gà, ông Thảo hợp đồng với gia chủ: giao gà trống mái cho nuôi, khi gà ấp nở thành gà tơ ông sẽ bắt lại gà và tùy theo con trống tốt hay xấu mà trả công nuôi.

Nuôi gà nòi cũng “lên voi xuống chó”, gặp thời đổ mẻ ra gà dữ, gặp vận xấu thì đổ ra chỉ toàn gà thịt. Dòng gà cũng đổi bổn thường xuyên cho phù hợp thị hiếu thị trường, Bảy Thảo đã không ngại ngần bỏ ra hàng ngàn đô la để mua gà nòi Mỹ lấy bổn. Gà Mỹ có cái hay như phổi nhỏ (cựa đâm ít trúng), đá đòn mạnh như võ sĩ quyền Anh, cái dở là đá không biết né cứ giao thẳng chân.

 Trong khi đó, gà Việt đá chân đòn không mạnh bằng gà Mỹ nhưng biết tránh đòn, lừa thế phản công. Cho lai hai giống gà này sẽ có giống gà ưu điểm hơn, đá đòn mạnh, phổi nhỏ đâm ít lủng.

Ông Thảo nhận xét: Cách chơi đá gà mỗi thời mỗi khác, càng ngày càng phai nhạt đi cái tinh hoa, lý thú của một trò chơi dân gian. Nếu những thập niên trước đây, người chơi cho gà nòi đá bằng cựa chốt, mỗi độ kéo dài hàng tiếng đồng hồ chủ yếu để người xem thưởng lãm các đòn đẹp của gà. Còn bây giờ, do máu ăn thua sát phạt nhau, người ta chơi cựa sắt 5-7 phân, mỗi độ có khi chỉ vài phút là xong. Thế nên con gà Bến Tre cũng biến dòng theo, những con nào đá sát cựa, đâm nhiều mới được ưu tiên lấy bổn.

Thắc mắc chuyện con gà Bến Tre vì sao giỏi ngang tài ngang sức với gà Cao Lãnh, ông Ba Cồ và Bảy Thảo đều lắc đầu, họ chỉ biết gà Chợ Lách nổi tiếng từ những năm 1960. Song dù chơi gà hay nuôi gà nòi giỏi tới đâu cả hai cũng có cùng nhận xét: Chơi gà vừa vừa thôi, chơi càng lớn càng chết lớn. Ba Cồ mê gà nhưng khuyên con cháu: "Nuôi chơi làm kiểng thôi, ai mua được giá thì bán, đứa nào tham gia đá gà độ tao đập chết tươi".


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét